Cuộc đời là một tấn tuồng, nên Ngô Kỷ rất thích "hề"
Little Saigon ngày 22 tháng 1 năm 2016,
Kính thưa Quý Đồng Hương,
Đang "động não" để viết tiếp phần 2 loạt bài "Phản đối Giám sát viên Andrew Đỗ nhận tiền "nhơ nhớp và bất nghĩa" của báo Người Việt đúc tượng Đức Thánh Trần," thì tình cờ thấy vài bài viết liên quan đến việc tôi trả lời phỏng vấn trước kia, nên để khuây khỏa đầu óc, tôi xin phép gởi đến quý vị thưởng lãm, với hy vọng giải tỏa được phần nào hiểu lầm của một số người chưa hiểu rõ về nhân sinh quan của tôi.
Kèm đây là Link của bài viết tuần rồi http:// baivietchongvietgian.blogspot. com/2016/01/phan-oi-giam-sat- vien-andrew-o-nhan.html, xin quý vị đón đọc bài viết kế tiếp sẽ được phổ biến trong nay mai.
Trân trọng,
Ngô Kỷ
Ngô Kỷ chơi “game”
Viet Weekly (VW): Nói về trò chơi “game” trong lãnh vực tranh đấu, quan niệm cuộc sống của anh Ngô Kỷ. Gần đây anh nói thẳng, đối với cuộc đời của anh là một cuộc chơi. Nhưng mà có nhiều người không hiểu hoặc không rõ cái quan niệm này. Nhân dịp đây chúng tôi cũng muốn được anh Ngô Kỷ trước hết định nghĩa chữ “game” hoặc là “trò chơi” như thế nào, rồi sau đó đi tới cái cụ thể hóa trong những hoạt động cuộc sống của anh.
Ngô Kỷ (NK): Trò chơi hay cuộc chơi mà tiếng Mỹ gọi là “game” được mỗi người nhìn qua một khía cạnh, một lăng kính khác nhau, có nghĩa bóng, nghĩa đen. Người thì nhìn tiêu cực, người thì nhìn tích cực. Có người khi nói tới “game” là nghĩ đến chuyện cờ bạc Las Vegas hay tứ đổ tường, tuy nhiên riêng tôi thì “game” được nhìn một cách nghiêm túc, serious, chính đáng kể cả có cái lý tưởng trong đó nữa.
Khi ra sân chơi ai cũng muốn chiến thắng. Bằng chứng là các trường học tranh giải Football cho vui thôi thế mà “húc” nhau chí mạng, có khi phải gãy tay, gãy cổ. Đã là “game” rồi thì không còn phân biệt là vô vị lợi hay danh lợi. Chơi là phải quyết chiến thắng, đó là cái điểm chính mà tôi muốn nói tới. Khoảng 50 năm trước tôi có ông chú tên là Ngô Thế Hoan chơi cờ tướng, suy nghĩ nước cờ đến nỗi đứt mạch máu trên đầu chết ngay trên bàn cờ. Kể ra như vậy để chứng minh giá trị của trò chơi “game” cũng trả giá đắc lắm chứ không phải là một trò đùa. Trò chơi cũng lắm công phu. Chính Nguyễn Công Trứ cũng đã từng bảo: “Chơi cho lịch mới là chơi. Chơi cho đài các cho người biết tay.” Trò chơi cũng có loại sạch loại tồi, loại sang loại hèn, loại văn minh loại dỏm v.v..
Đối với tôi khi chơi “game” tức mình tự nguyện, vui vẻ chứ không ai ép buộc, áp lực cả. Do đó khi tôi nói đến chữ “game” tức muốn đến cái giá trị, cái hay ho, cái trong sáng khi chơi “game”. Vì muốn thắng “game” phải dồn hết mọi nỗ lực, trí khôn, sức lực và mưu lược để có thể chiến thắng, thành công. Vì vậy những gì mà tôi đang làm, đang đương đầu chính là “game” của tôi.
VW: Cái quan niệm “game” mới có đây hay là đã có từ lúc anh còn trẻ, hay từ lúc nào?
NK: Tôi nghĩ là có từ lúc tôi vào đại học cho tới nay. Tôi cảm thấy hạnh phúc rất nhiều khi tôi được sống tại một quốc gia tự do như thế này nên tôi mới có cơ hội chơi “game”. Nếu mà ở lại Việt Nam thì có lẽ cộng sản đã cắt lưỡi chặt tay tôi rồi vì làm gì chúng cho tôi được nói, được viết tự do như vậy. Nếu mà tôi không được chơi “game” chắc là tôi buồn lắm và đời sẽ chẳng còn ý nghĩa gì đối với tôi nữa.
VW: Bây giờ có thể chia ra làm hai mặt, phần đầu về quan niệm trò chơi “game” trong đấu tranh, và phần hai là về đời sống cá nhân anh đối với tình yêu, tình cảm hoặc bằng hữu. Trước hết xin anh nói về vấn đề đấu tranh.
NK: Tôi nghĩ khi đề cập đến chữ trò chơi “game” trong vấn đề đấu tranh chắc sẽ có người dị ứng và cảm thấy bị xúc phạm, cho rằng tôi dè bỉu, nhục mạ và hạ thấp chỗ đứng của sự đấu tranh, dân tộc, cộng đồng v.v.., và tôi tôn trọng quyền tự do phản ứng của họ. Riêng tôi là một người sống rất thực tế, tôi không quan tâm đến các hình thức màu mè hay các mỹ từ rổng tuếch. Cứu cánh biện minh cho phương tiện do đó tôi làm bất cứ điều gì để đạt thành công. Trong đấu tranh tôi dùng mọi thủ đoạn, phương thức, chiến thuật để đương đầu với đối phương nhằm chiến thắng. Để cho “trận chiến” bớt vẻ nặng nề và căng thẳng tôi biến cuộc chiến trở thành một trò chơi “game”. Các động từ như “đấu tranh, tranh đấu, chiến đấu, hy sinh, dấn thân” v.v..tôi không cho quan trọng, mà chỉ cần “chơi” sao mà thắng là được rồi. Nói tóm lại, trò chơi “game” trong đấu tranh chỉ là phương thức hành động để chiến thắng, nó mang tính chất “kỷ thuật chuyên môn” chứ không có gì là xúc phạm đến ý nghĩa tinh thần cả.
VW: Trong đấu tranh người ta thường nhìn anh vai trò là người lãnh đạo, thế thì trong các các trò chơi “game”, anh có chơi đúng luật hay không, anh có tôn trọng các người cùng chơi với anh hay không, và anh có đề ra các nguyên tắc, luật lệ của cái “game” một cách công bằng hay không?
NK: Tôi thường chơi “game” một mình. Tôi chủ trương “có sức chơi thì có sức chịu” vì tôi tự chủ được chính mình và sẵn sàng chấp nhận bất cứ hệ quả nào đến với mình dù là đến với cái tình huống xấu nhất hay tồi tệ nhất. Tôi rất dè dặt với những người khác vì họ không phải là tôi. Họ có quan niệm sống, đời sống, tính tình, hoàn cảnh, tính toán, mục đích khác với tôi, nên tôi chỉ sẵn sàng hợp tác với họ trong giai đoạn và trong từng “trận chiến” mà thôi. Họ có thể tham dự vào trò chơi “game” của tôi mà họ không hề phải chịu liên đới một trách nhiệm hay thiệt thòi nào cả. Tôi luôn bảo vệ họ và đặc biệt tôi không bao giờ lợi dụng họ cả. Bằng chứng là tôi chấp nhận bị kiện cáo rất nhiều trận mà không bao giờ kéo người khác vào. “Game” của tôi thì tôi phải tự trả giá, vì đó là luật của “game”.
VW: Anh có nghĩ rằng anh đã thắng ở trong cái phương diện là anh vẫn còn tồn tại duy trì cái tinh thần tranh đấu của anh, là bởi vì anh đã đạt được cái nguyện vọng mà anh muốn chơi “game”. Nhưng đối với những người cùng đi với anh, cùng làm việc với anh thì họ bây giờ quay qua phản đối, chửi bới, chê bai anh. Anh nghĩ thế nào?
NK: Như tôi đã nói ở trên là tôi không kéo ai vào cái “game” của tôi cả. Họ lớn hết rồi, họ biết họ làm gì và muốn gì, không ai có thể lừa phỉnh được họ. Rất tiếc là khi ra “chiến trường”, mỗi người có cái nhìn về trận chiến khác nhau tùy theo trình độ và kinh nghiệm. Có thể có người không hiểu được các chiến thuật, đường đi nước bước của tôi nên họ đâm ra hoang mang. Rồi từ đó họ đó họ sinh ra ngờ vực, nghĩ ngợi lung tung để rồi trách móc, giận hờn, chê bai tôi. Đó là chưa kể có vài ba người muốn “soán ngôi” (cười) nên bày ra đủ trò ganh tị, dèm pha để kiếm chút danh hảo “lãnh tụ” v.v.. Trong suốt 27 năm tôi bỏ công sức ra để góp tay trong cuộc đấu tranh từ chính trường Hoa Kỳ cũng như trong cộng đồng tỵ nạn, tôi muốn thách thức và yêu cầu bất cứ ai chống đối, chê bai, dè bỉu tôi, xin hãy trưng dẫn ra những sai trái, bê bối, lầm lẫn, tội lỗi của tôi đối với cộng đồng đất nước. Tôi rất khinh “chó sủa trong hàng rào”.
VW: Cho đến giờ phút này cái “game” mà anh đạt được là về vấn đề tài chánh, danh vọng, tình cảm cá nhân hay vấn đề gì?
NK: Thật sự cái hạnh phúc to lớn nhất của tôi trong các cái “game” mà tôi đạt được là tôi đã được tự do làm bất cứ điều gì tôi muốn. Được tự do đối đầu và trừng trị bọn Việt gian bằng hình thức này hay phương tiện khác là tôi mãn nguyện lắm rồi. Tôi không cầu mong đạt những cái vật chất tầm thường, tôi chỉ muốn quét sạch bọn Việt gian, bọn ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản khỏi cái thủ đô tỵ nạn Little Saigon này.
VW: Bỏ ra 27 năm để hoạt động và hy sinh những hạnh phúc cá nhân của mình như vấn đề vợ con, gia đình để anh chơi cái “game” này, anh có nghĩ là cho tới giờ phút này anh thấy rằng có mệt mỏi không, có tiếp tục không, hay là sẽ thay đổi cái đường hướng, cái “game” chơi như thế nào hay không?
NK: Trong kinh Lạy Cha của Công Giáo “Lạy Cha, xin Cha cho con hằng ngày dùng đủ”, do đó tôi cũng thích chủ trương sống từng ngày. Còn hơi thở thì “game” tôi còn, mà còn “game” là tôi còn vui. Không có vấn đề “hy sinh” vì tôi “tự nguyện” chơi “game” mà, chứ đâu có ai áp lực tôi đâu. Không thể “bắt cá hai tay” được”, do đó hãy vui trong cái mình đang chọn lựa, vậy thôi!
VW: Câu chuyện hôm nay đúng vào Ngày Lễ Mẹ, tức là nói về một chút riêng tư. Anh cũng là người công chúng, anh có nghĩ khi anh chơi “game” như vậy, anh hy sinh phần nào cho cái đời sống cá nhân, gia đình anh không? Cho tới giờ phút này, người ta nói là ở tuổi anh phải là có con thậm chí là có cháu nữa, anh có chơi “game” trong tình yêu hay trong đời sống hôn nhân, anh có đánh cuộc với nó không?
NK: (cười) Tôi xác định nhiều lần, mỗi người có quan niệm về hạnh phúc khác nhau. Tôi làm được cái điều tôi muốn làm là hạnh phúc tuyệt vời lắm rồi. Tôi chẳng có đánh đổi hay hy sinh gì cả. Lâu nay tôi cho là các cái “game” mà tôi chơi, nó vui và hào hứng hơn chuyện lấy vợ (cười), nhưng bây giờ anh nhắc tới nhắc lui tới mấy lần làm tôi bắt đầu suy nghĩ đấy (cười).
VW: Có thể các người phụ nữ ái ngại cái thú chơi “game” của anh nên họ nhát gan không dám đi sát với cuộc đời anh như những người bình thường khác, anh có nghĩ như vậy không?
NK: Anh đi hỏi mấy bả chứ tôi đâu có phải là phụ nữ mà trả lời (cười).
VW: Có bao giờ có người phụ nữ nào nói với anh điều đó, nói là anh ngưng chơi “game” đi để mà sống cuộc sống bình thường không? Anh trả lời ra sao về câu đề nghị đó của họ?
NK: Tôi quên mất rồi (cười).
VW: Chắc có những lúc anh nằm vắt tay lên trán, anh tự nhủ là tại sao mình không sống như người bình thường để có một người vợ hiền, đứa con ngoan như thiên hạ không?
NK: Anh mà nhắc nữa là tôi tủi thân khóc đó nhé (cười).
VW: Năm nay anh 60 tuổi, và cái “game” của anh vẫn tiếp tục. Anh có nghĩ cái điều mà anh đã đi là đáng tiếc. Cho nên kết luận lại là 60 tuổi là một cái tuổi có thể kết luận một phần nào về cuộc đời của mình, anh có nghĩ là đến khi nào cái “game” anh nó mới “over”? Nghĩa là hết “game” để mình chuẩn bị cho lúc về hưu hay qua bên kia thế giới chẳng hạn.
NK: Anh biết rồi, tôi tuổi Nhâm Thìn, tuổi Tây là Leon, bàn tay chữ Nhất, cái trán tôi thì thuộc loại “cứng đầu”, thế thì tôi làm gì có chuyện ân hận về hành động của mình đã làm. Tôi quyết định làm điều gì là tôi làm cho tới cùng, quyết tâm, quyết chí, bình thản, tự tại và tâm hồn rất bình yên. Cám ơn anh đã quan tâm cho cuộc đời còn lại của tôi. Hãy để “Que’ Sera, Sera – What will be will be”. Hôm nay còn gặp được anh và tâm sự với nhau như vậy là hạnh phúc lắm rồi. “Sợi tóc trên đầu rơi xuống đều do Thánh Ý Chúa” mà, phải thế không anh?!
Ngô Kỷ trên đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (Voice of America-VOA)
Ngô Kỷ Trả Lời
Năm 1988
Hỏi: Theo anh, yêu nước có phải là yếu tố đủ để bảo đảm hành động có lợi cho dân tộc không?
Ngô Kỷ: Yêu nước chỉ là yếu tố cần thiết chứ chưa phải là yếu tố đủ để bảo đảm hành động đứng đắn, vì hành động cần phải được hướng dẫn không phải chỉ bằng tình mà còn bằng lý nữa. Những hành động yêu nước quá khích, bồng bột, mù quáng, thiển cận, hồ đồ, lố bịch, dị hợm, bốc đồng, màu mè, chủ quan, thiếu phương pháp v.v… sẽ làm bất lợi cho dân tộc.
Đấu tranh sai đường là phản quốc dù yếu tố thúc đẩy do tình yêu nước chăng nữa. Lấy một thí dụ đơn giản điển hình: Trong khi tình hình quân sự sôi động, binh sĩ đang bận bịu chiến đấu sinh tử ngoài mặt trận, thì tại hậu phương lại xách động xuống đường, biểu tình gây hoang mang, xáo trộn xã hội, tạo cho đặc công cộng sản có cơ hội xâm nhập phá hoại an ninh, thì thử hỏi hành động đó có khác nào vô tình tiếp tay cho giặc?
Tại cộng đồng Việt Nam hải ngoại cũng có những người vì quá nhiệt tâm muốn bảo vệ, tranh đấu cho đồng bào, nhưng không hiểu luật lệ, không nắm vững sự kiện, không nhận thức chính xác chỗ đứng, uy tín, khả năng và sức mạnh thực sự của mình, nên đã tạo ra những phản ứng ngược làm thiệt hại, gây tai tiếng và khiến cho cộng đồng mang họa lây một cách oan uổng.
Tóm lại, nếu lập luận cho rằng một hành động phát xuất từ lòng yêu nước đương nhiên là một hành động đúng và có lợi cho dân tộc, trên thực tế không đứng vững. Đó là chưa kể có những người yêu nước và thành tâm dấn thân đấu tranh, nhưng lại bị lợi dụng bởi bọn chính trị gia xôi thịt, mị dân, và bị giật dây bởi một số tổ chức chính trị đội lốt Quốc Gia nhưng lại thờ ma Cộng Sản mà không biết.
Hỏi: Anh nghĩ gì về những người có lỗi với đồng bào trong quá khứ, nhưng nay họ thức tỉnh và muốn đóng góp vào công cuộc đấu tranh cho dân tộc?
Ngô Kỷ: Noi theo chính sách của Nguyễn Trãi: “Lấy chí nhân mà thay cường bạo. Đem đại nghĩa để thắng hung tàn”, người Quốc Gia hơn Cộng Sản ở chỗ chúng ta có lương tâm, có lòng nhân đạo, có tình cảm. Chính vì vậy mà chính phủ miền Nam Việt Nam trước kia có chương trình “chiêu hồi”. Bởi vậy chúng ta nên cởi mở, khoan dung đón nhận những kẻ lầm đường lạc lối, nay biết phục thiện quay về với chính nghĩa.
Cũng giống như một người con lỡ tay làm cháy nhà, chúng ta cũng nên cho cơ hội để người con tiếp tay dập lửa, hơn là vì giận hờn, tự ái mà lại xua đuổi chối từ. “Dụng nhân như dụng mộc”, dùng người như dùng cây, đừng vì một chỗ mục mà bỏ cả cây to. Điều quan trọng là chúng ta cần phải sáng suốt, khôn ngoan, tỉnh táo để phân tích và lượng định cho chính xác mức độ “phản tỉnh” của nhân vật “hồi chánh”. Đặc biệt trong vấn đề chính trị, cần phải rất cẩn trọng trong việc phân tích sự ăn năn, hối lỗi đó là chân thành hay giả trá, thiện chí hay gian tâm.
Hỏi: Anh có nghĩ những người lớn tuổi có nhiều kinh nghiệm tốt không?
Ngô Kỷ: Tôi học hỏi rất nhiều nơi quý vị cao niên và các bậc đàn anh. Tôi luôn kính trọng và biết ơn về những sự chỉ giáo và các cao kiến của họ. Thỉnh thoảng xui xẻo tôi mới gặp vài ba người làm tôi thất vọng thôi. Casson nói về họ như sau: “Có thể khắc trên mộ bia của nhiều người câu này: Chôn lúc 60 tuổi, nhưng đã chết từ lúc 30 tuổi”.
Hỏi: Anh có ý kiến gì về truyền thông, báo chí Việt ngữ tại hải ngoại?
Ngô Kỷ: Là một người tỵ nạn sống ở xứ người, tôi muốn bày tỏ sự biết ơn sâu xa đến người làm truyền thông báo chí Việt ngữ, những chiến sĩ văn hóa. Nếu không có quý vị này, văn hóa Việt Nam đã bị khủng hoảng một cách trầm trọng. Truyền thông báo chí là phương tiện hữu hiệu nhất trong việc bảo vệ Cộng Đồng trước những sự tranh chấp, kỳ thị bởi những sắc dân địa phương hay chính quyền.
Làm truyền thông, báo chí là hướng dẫn dư luận, nhìn một người đọc một tờ báo nào, nghe một đài phát thanh nào, xem một băng tần truyền hình nào là biết được phẩm cách và giá trị của người đó. Làm truyền thông, báo chí không phải chỉ để mưu sinh, mà lại còn là một thiên chức nữa, vì: “Làm thầy thuốc mà sai lầm thì giết một người, làm chính trị mà sai lầm thì giết một nước, làm văn hóa sai lầm thì giết cả một thế hệ”. Chính vì vậy mà vua Quang Trung đã nói: “Ngòi bút của Ngô Thời Nhiệm có sức mạnh bằng hai chục vạn quân”.
Truyền thông, báo chí Việt ngữ cũng có những khuyết điểm. Có những bất cẩn, sai sót kỷ thuật một cách vô tình, nhưng cũng lại có những hành động phản đạo đức, như: hù dọa, tống tiền, trả thù cá nhân một cách cố ý. Tôi không quan tâm lắm về các khuyết điểm của giới truyền thông, báo chí Việt ngữ trong vấn đề chuyên môn hay đạo đức, vì chính độc giả và khán thính giả là những người có đủ tư cách để bày tỏ thái độ, phản ứng. Tôi chỉ chú trọng đến quan điểm chính trị và sẵn sàng phản đối lại bất cứ cơ quan truyền thông, báo chí Việt ngữ nào “ăn cơm Quốc Gia thờ ma Cộng Sản”, đâm sau lưng cộng đồng tỵ nạn, phản bội dân tộc.
Hỏi: Có nên giải tán những tổ chức đơn lẻ để sát nhập vào những tổ chức tiếng tăm của những người tai to mặt lớn không?
Ngô Kỷ: Đoàn kết là tốt vì hợp quần gây sức mạnh. Tuy nhiên đoàn kết để làm đạo tặc, phản dân hại nước thì đó là một bất hạnh cho đất nước và là mối nhục lớn cho cộng đồng. Alain đã hỏi: “Đoàn kết làm thành sức mạnh. Đúng, nhưng tạo thành sức mạnh ấy cho ai?”. Hơn nữa, mỗi tổ chức có riêng một mục đích và phương cách hoạt động. Alfred de Musset có nói: “Cái ly của tôi bé, nhưng tôi uống bằng cái ly của tôi”. Thử hỏi có gì bảo đảm những tổ chức đông đảo người quyền cao chức trọng là giúp ích được nhiều cho quê hương dân tộc? Đối với tôi, dù một cánh én không làm nên mùa Xuân, nhưng cánh én vẫn làm bầu trời xinh đẹp hơn một bầy kên kên. Ngạn ngữ Á Rập có câu: “Một nắm ong có giá trị hơn một túi ruồi”.
Hỏi: Anh nghĩ gì về những người thường lớn tiếng hô hào xây dựng cộng đồng, giải phóng đất nước?
Ngô Kỷ: Thùng rỗng thường kêu to, và Charle Péguy đã nói: “Tôi không bao giờ phán đoán một người theo những điều người ấy nói, mà chỉ xét theo cái giọng người ấy nói thôi”. Việc xây dựng cộng đồng và giải phóng đất nước không phải một sớm một chiều, mà cần phải đóng góp thực tế và dấn thân cụ thể, chứ không phải chỉ lý thuyết suông. Dan Bennett nói: “Hàng triệu người muốn sống trăm năm, nhưng họ không biết làm gì cho khỏi chán trong một ngày Chủ Nhật mưa gió”.
Hỏi: Giúp cho đảng Cộng Hòa và Tổng Thống George Bush trong kỳ tranh cử 1988 vừa qua, anh có lợi lộc gì không?
Ngô Kỷ: Trên đời này, không ai làm điều gì mà không nghĩ đến cái lợi cả. Kẻ nào nói khác đi thì quả là kẻ nói xạo và mị dân. Tuy nhiên có nhiều cái lợi khác nhau: nịnh trên đè dưới để vinh thân phì gia cũng là cái lợi, nhân danh phục vụ cộng đồng lấy tiền bỏ túi cũng là cái lợi, bố thí để con cháu được hưởng phước cũng là cái lợi, tụng kinh đi Lễ để mong được lên Niết Bàn, Thiên Đàng cũng là cái lợi, tần tảo khổ cực nuôi con ăn học thành danh để hãnh diện với đời cũng là cái lợi v.v…
Điều khác nhau là lợi một cách quang minh hay bất chính, lợi vật chất hay lợi tinh thần. Riêng tôi tạo cơ hội đưa cho Tổng Thống George Bush cầm giơ cao ngọn cờ Vàng Ba Sọc Đỏ trước hàng trăm ống kính thế giới, và đạo đạt được những nguyện vọng chính đáng của đồng bào đến chính phủ Hoa Kỳ, đó cũng là cái lợi lớn lao đối với tôi.
Hỏi: Anh nghĩ thế nào là Cộng Sản? Thế nào là Quốc Gia?
Ngô Kỷ: Lúc nhỏ tôi nghĩ người Cộng Sản là người ở miền Bắc, người Quốc Gia là người ở miền Nam, nhưng Digest Catholique định nghĩa một cách rộng rãi và sâu sắc hơn: “Người Cộng Sản là người ăn cái bánh mình mà còn thích ăn bánh bạn nữa”. Và Bosh định nghĩa: “Người Quốc Gia chân chính là người đứng trọng tài vô tư giữa các tham vọng của mình và công ích”.
Hỏi: Theo anh ai là người đủ tư cách để xây dựng cộng đồng, giải phóng đất nước?
Ngô Kỷ: Bất cứ người Việt Nam chân chính nào cũng có thể làm điều đó. Điều đáng quan tâm là chúng ta nên thận trọng đừng để những kẻ hèn nhát, đốn mạt, bỉ ổi có cơ hội mưu đồ phản dân hại nước thêm một lần nữa. Hàn Phi Tử có nói: “Đem xương trừ kiến, kiến lại càng nhiều. Lấy cá đuổi ruồi, ruồi lại càng đến”.
Hỏi: Được tiếp xúc và làm Đại Biểu của Tổng Thống George Bush, anh có cho đó là một vinh dự không?
Ngô Kỷ: Có chứ, đó là kỷ niệm đẹp trong đời. Tuy nhiên tôi không cho đó là việc quá quan trọng, vì Ansari de Hérat có nói: “Nếu anh có thể đi trên mặt nước, anh đã có gì hay hơn một cộng rơm?, nếu anh biết bay liệng trên không trung, anh đã có gì hay hơn một con ruồi?. Nếu anh biết tự chế ngự tâm hồn anh: anh mới quả là nhân vật”.
Hỏi: Công cuộc đấu tranh của cộng đồng Việt Nam có nên đặt quá nhiều tin tưởng và hy vọng vào sự hỗ trợ của chính phủ Hoa Kỳ không?
Ngô Kỷ: Người Mỹ từng nói: “Nước Mỹ không có bạn suốt đời, mà cũng không có kẻ thù muôn kiếp. Chỉ có quyền lợi nước Mỹ trên hết”.
Năm 1975, mọi người đều thừa biết là miền Nam Việt Nam sụp đổ không phải vì dân chúng thiết tha cái chủ nghĩa Marx-Lenin gian ác bạo tàn, cũng không phải vì quân lực Việt Nam Cộng Hòa chiến đấu không anh dũng hào hùng. Chúng ta không thất trận tại chiến trường Việt Nam , nhưng chúng ta thua giặc ngay tại chính trường Hoa Thịnh Đốn.
Không có vị tổng thống Mỹ nào dù thuộc đảng Cộng Hòa hay đảng Dân Chủ lại yêu thương đất nước Việt Nam bằng chính người Việt Nam . Không có thượng nghị sĩ Mỹ nào dù diều hâu hay bồ câu lại quan tâm đến tự do, dân chủ, nhân quyền cho 75 triệu đồng bào Việt Nam bằng chính người Việt Nam . Không có dân biểu Mỹ nào dù bảo thủ hay cấp tiến lại lo lắng an sinh xã hội SSI cho các cụ cao niên Việt Nam bằng chính người Việt Nam . Không có ngoại trưởng Mỹ nào dù đàn ông hay đàn bà lại xót xa thảm cảnh thuyền nhân tỵ nạn Việt Nam bằng chính người Việt Nam v.v… Hiểu như vậy để chúng ta cần phải dè dặt và cẩn thận khi đặt quá nhiều hy vọng nơi chính phủ Mỹ.
Là công dân Mỹ gốc Việt, chúng ta có quyền đòi hỏi chính phủ Hoa Kỳ đáp ứng nguyện vọng của người công dân Mỹ gốc Việt, miễn là không đi ngược lại hoặc làm thiệt hại quyền lợi của nước Mỹ. Cuộc đấu tranh chống Cộng Sản Việt Nam phải do chính những người dân Việt Nam chúng ta chủ động và quyết định. Sự hỗ trợ từ phía Hoa Kỳ hay từ một số quốc gia ngoại quốc là điều cần thiết, tuy nhiên phải coi là đồng minh phụ thuộc mà thôi. Muốn giữ được mối tình đồng minh lâu dài và tôn trọng lẫn nhau, chúng ta phải biết cách xử thế một cách sòng phẳng, lưỡng lợi và thực tế.
Hỏi: Anh có nghĩ là độc tài và cao ngạo khi anh làm việc mà anh chẳng mời một ban cố vấn, chỉ đạo nào cả?
Ngô Kỷ: Tôi nghĩ là mọi người trong cộng đồng đều có khả năng làm cố vấn cho tôi trong công việc chung, do đó tôi không thấy cần thiết phải lập một ban cố vấn đặc biệt. Thêm vào đó, Tào Bao Truyện có viết: “Làm nhà bên đường mà gặp ai cũng bàn thì ba năm cũng không xong”. Trước khi bắt tay làm việc, tôi đã vạch sẵn con đường, lấy chính nghĩa quốc gia dân tộc làm chỉ đạo, lấy tự do hạnh phúc của toàn dân làm cứu cánh, bởi vậy tôi không thấy cần thiết kiếm người chỉ đạo.
Hỏi: Muốn thành công trong công việc, phải làm gì?
Ngô Kỷ: Tổng Thống Lincoln khuyên rằng: “Muốn thành công trên đời phải khởi sự làm những điều mà mình thường khuyên bảo kẻ khác”.
Hỏi: Anh có phải là lãnh tụ cộng đồng không?
Ngô Kỷ: Có nhiều người tài đức hơn tôi để làm điều đó. Tôi chỉ là một thành viên nhỏ bé trong tập thể người Việt tỵ nạn lớn lao mà thôi.
Hỏi: Theo anh nghĩ công việc quan yếu trong việc cứu người dựng nước phải làm thế nào?
Ngô Kỷ: Có nhiều việc phải làm, nhưng điều trước tiên ta phải tự cứu mình dựng mình. Raniel Rops nói: Chỉ có những người đã từng chấn hưng đạo đức ở chính họ mới có thể lãnh việc chấn hưng xã hội”.
Hỏi: Có một số nhân vật trong cộng đồng bảo rằng anh là người trong bụi chui ra, trên trời rớt xuống, anh nghĩ thế nào?
Ngô Kỷ: Đây là một xứ dân chủ tự do, đặc biệt tự do ngôn luận, do đó tôi luôn tôn trọng lời phát biểu của họ.
Hỏi: Anh thấy người Việt Nam ta có nhược điểm gì?
Ngô Kỷ: Tôi không đủ tư cách và kiến thức để phê phán vấn đề này. Tôi chỉ có thể trích lại một số điều mà nhà cách mạng Phan Bội Châu đã phân tích, đó là: “tính ỷ lại, lòng giả dối, thói nhút nhát, tham lợi riêng, mê tín dị đoan, đua những việc hư danh vô vị, không thực lòng yêu nước, không biết nghĩa hiệp quần, không thương nòi giống v.v…”
Hỏi: Anh nghĩ gì về sự xung đột giữa hai thế hệ già và trẻ?
Ngô Kỷ: Lý do có sự xung đột là vì: Người già quan niệm: “kính lão đắc thọ, bán tự vi sư, áo không mặc qua khỏi đầu v.v…”. Người trẻ thì lại nghĩ rằng: “hậu sinh khả úy, tre già măng mọc, con hơn cha nhà có phúc v.v…” Do đó muốn tạo được sự cảm thông và quý trọng nhau giữa hai thế hệ, cần phải có một “tâm hồn trẻ”.
Hỏi: Anh đang làm việc trong một hoàn cảnh cô đơn, eo hẹp, liệu có mang lại kết quả gì không?
Ngô Kỷ: Còn nước còn tát. Người xưa có câu: “Đừng vì lẽ mình không thể là một ngôi sao mà đành cam chịu làm một đám mây mù”.
Hỏi: Đến được nước Mỹ, anh đã thấy mãn nguyện chưa?
Ngô Kỷ: Tôi lấy làm vui mừng khi đến được mãnh đất tự do này. Tuy nhiên điều đáng kể trong đời không phải là miếng đất chúng ta đang đứng, mà chính là cái hướng chúng ta đang nhắm để đi”.
Hỏi: Anh nghĩ gì những người ưa chỉ trích?
Ngô Kỷ: Đối với tôi, chỉ trích trong tinh thần xây dựng là một điều đáng khuyến khích.Chính Lippman đã nói: “Khi tất cả mọi người đều đồng ý tức là không có ai suy nghĩ kỹ cả”. Không một người nào mà không có khuyết điểm, “nhân vô thập toàn”. Muốn tiến bộ, muốn thành công phải nghe người khác chỉ trích. Oscar Wilde có nói: “Đối với một người cũng như đối với một quốc gia, sự bất mãn là bước đầu để đi đến tiến bộ”.
Tuy nhiên, sự chỉ trích phải nằm trong tinh thần xây dựng. Chỉ trích một cách bừa bãi, thiếu ý thức chắc chắn không được chấp nhận. Có một số người coi sự chỉ trích như một thú tiêu khiển, họ chỉ trích vấn đề mà không đưa ra phương cách giải quyết, miệng bảo là sai nhưng hỏi sai chỗ nào thì lại không biết, phê bình người khác làm xấu, nhưng hỏi làm thế nào để tốt hơn thì họ cũng lại không biết.
Cavallier đã kết luận: “Những người ưa chỉ trích là những người quen ngồi trong phòng giấy, không phải là người hoạt động, họ không hiểu nỗi khó khăn trong khi hành động, vì thế họ dùng óc thông minh và tài châm biếm của họ để chỉ trích công việc làm của người khác”.
Hỏi: Anh có tôn trọng quyền phát biểu của người khác chính kiến và khác quan điểm với anh không?
Ngô Kỷ: Tôi quý tự do, do đó tôi luôn tôn trọng tự do của người khác. Mỗi người đều có quyền hành xữ quyền tự do của mình trong luật định. Muốn thu phục nhân tâm, chúng ta cần phải dùng lý luận vững chãi và cái tâm trong sáng để thuyết phục đối phương. Đừng làm họ sợ, mà phải làm sao cho họ “khẩu phục, tâm phục” thì mới gọi là thành công. Tôi muốn sống theo tư tưởng của Voltaire: “Tôi không đồng ý quan điểm anh, nhưng tôi tranh đấu tới chết để bảo vệ cho anh được nói ra điều anh muốn nói”.
Hỏi: Anh có sợ người ta châm biếm nói xấu không?
Ngô Kỷ: Nếu sợ thì tốt hơn hết đừng là gì cả, đừng nói gì cả, và đừng làm gì cả. Trong Chiến Quốc Sách có câu: “Người đi đêm tuy không phải gian nhưng không thể cấm chó cắn”. Khi làm một việc đúng với lương tâm thì sợ gì lời ra tiếng vào. Đâu phải ai bị chó sủa đều là những người ăn trộm cả sao. Ngạn ngữ Á Rập có câu: “Nếu mỗi khi anh nghe chó sủa mà anh dừng chân lại thì không bao giờ anh đi suốt đường”.
Đương đầu, đụng chạm với Việt cộng, Việt gian, mình sẵn sàng chấp nhận mọi khó khăn, nguy hiểm vì chúng là kẻ thù. Nhưng cái đắng cay, cái đau thấm thía và nghịch lý nhất là chính những người nhân danh Quốc Gia lại đâm sau lưng mình. Charles Kingsley đã than: “Không phải những chông gai trên đường đi đã làm đau chân anh, mà chính cái hột cát nho nhỏ trong chiếc giày anh mang”.
Hỏi: Nếu có một số người không đồng ý hay không tán đồng những quan điểm, ý kiến của anh, anh có buồn không?
Ngô Kỷ: Không. Chúa Giê Su là đấng toàn năng, quyền uy, thông minh sáng láng vô cùng, thế mà còn bị người ta khinh miệt và đóng đinh Ngài trên cây Thập Tự Giá. Còn Đức Phật Thích Ca thì đạo hạnh, từ bi hỉ xã, quán triệt siêu việt như vậy, thế mà còn bị trêu ghẹo, mỉa mai, xỉa xói, thế thì tôi chỉ là con người phàm phu tục tử, đầu óc bé tí thì có đáng gì đâu để có đủ tư cách đi hy vọng nhiều nơi sự đồng ý của thiên hạ.
Ngày xưa, Bá Nha cho mình may mắn khi gặp được người bạn tri kỷ duy nhất trên thế gian là Tử Kỳ, thấu hiểu và thông cảm được tiếng đàn của mình, thế thì nếu trong số 2 triệu người Việt tại hải ngoại và 75 triệu đồng bào trong quốc nội, mà tôi có được 2 người đồng ý và tán đồng ý kiến của tôi, thì quả là tôi có phước và được hạnh phúc hơn Bá Nha lắm rồi.
Hỏi: Tư tưởng và nhận định của anh đưa ra có thể không thuyết phục được một số người, anh có thất vọng không?
Ngô Kỷ: Không. Vào thế kỷ 16, nhà thiên văn Galileo Galilei ở Ý Đại Lợi khám phá ra sự kiện quả đất quay quanh mặt trời, hay nói cách khác là quả đất hình tròn, thế mà bị giáo hội La Mã kết án “nói bậy” và đòi xử tử. Sau này thì thế giới mới công nhận, và mãi cho tới thời gian gần đây thì giáo hội La Mã mới chính thức tuyên bố nhận xét của ông Galileo Galilei là xác đáng, và không còn cho ông là theo tà giáo nữa.
Còn ông Nguyễn Trường Tộ đi sứ Tây phương về, và tâu lại là thấy cái đèn chúc ngược đầu mà vẫn sáng, ý kiến của ông suýt nữa bị vua Tự Đức chém đầu về tội “khinh quân, nói xàm”. Và bây giờ thì mọi người đều thấy cái bóng đèn điện chúc đầu xuống đất.
Kể vài sự kiện điển hình như vậy, để chứng minh rằng việc muốn người khác tin theo nhận xét hay ý kiến của mình không phải là một việc dễ dàng dù rằng mình đúng, mà cần phải tùy theo trình độ, kiến thức mỗi người, hoàn cảnh xã hội, và yếu tố thời gian.
Hỏi: Cộng đồng người Việt tỵ nạn đang tranh đấu cho quê nhà, anh có tiếp sức không?
Ngô Kỷ: Có chứ. Tôi cố gắng tối đa tiếp tay cho công việc quan trọng như vậy. Tuy nhiên, song song đó chúng ta cần phải mạnh mẽ chống đối và tiêu trừ bọn cộng sản nằm vùng và bọn Việt gian tại hải ngoại. Nếu chúng ta khiếp nhược, không dám đương đầu, và không thắng được bọn chúng ở đây, thì làm sao chúng ta có thể nói đến chuyện giải phóng đất nước hay giải thể đảng cộng sản, hay giật sập Bắc Bộ Phủ bên kia Thái Bình Dương, cách xa xôi 10 ngàn dặm. Bao giờ cũng cần nên thực hiện những việc thực tế và trong tầm tay trước khi tính đến chuyện “đội đá vá trời”. Chỉ có những kẻ “mộng du” và “người đi trên mây” mới bàn đến những chuyện hão huyền, không thực tiển.
Trong đấu tranh, tôi rất khinh tởm và chán ghét bọn chính trị gia xôi thịt, bọn treo đầu dê bán thịt chó, đầu voi đuôi chuột, đánh trống bỏ dùi, khoát lác, lố lăng, dị hợm. Bọn này chỉ khoát lớp áo Quốc Gia để mưu cầu tư lợi, đi đêm đi ngày với Việt gian để vinh thân phì gia, phá nát cộng đồng.
Hỏi: Tại sao mười lăm năm qua cộng đồng Việt Nam hải ngoại chưa có được một lãnh tụ hay một tổ chức nào được sự hợp tác, ủng hộ mạnh mẽ của đồng bào?
Ngô Kỷ: Tôi xin được dùng câu chuyện của Aldoux Huxley để trả lời câu hỏi này:
“Một bữa nọ, vương tước Ibrahin đang ngồi trong đền, bỗng nghe tiếng người chạy trên mái nhà, Ngài tự hỏi: “Ai lại dám dẫm chân trên nhà trẫm?”, và Ngài hét to lên: “Ai đi đó?”. Bọn hầu cận khép nép thưa: “Thưa lệnh Ngài, chính chúng con đi tuần phòng và đang đi tìm…”, Ngài hỏi: “các người tìm gì?”, bọn hầu cận đáp: “Thưa tìm những lạc đà”. Ngài nói: “Có ai lại đi tìm giống lạc đà trên mái nhà?”, bọn hầu cận đáp: “Chúng con noi gương Ngài. Ngài đi tìm sự hòa hợp với Thần Thánh, nhưng Ngài lại an vị trên ngai vàng”.
Hỏi: Anh có cho rằng những người lãnh đạo quốc gia và những viên chức trong chế độ cũ là có tội với đồng bào, đất nước không?
Ngô Kỷ: Xã hội nào, chế độ nào, đất nước nào cũng có kẻ tốt người xấu. Tôi không phải là quan tòa, mà cũng không phải Thượng Đế, do đó tôi không thể xét đoán ai cả trừ khi tôi có đủ bằng chứng xác thực, rõ ràng, minh bạch. Victor Hugo nói rằng: “Anh không phải là một sử gia thì đừng dành để quá nhiều thì giờ nghĩ lẩn quẩn những việc đã qua”.
Hỏi: Anh giúp người này người nọ, anh có nghĩ là anh bị họ vắt chanh bỏ vỏ không?
Ngô Kỷ: Tôi làm bất cứ điều gì cũng chỉ vì tôi thích làm mà thôi. Tôi không bon chen và cũng chẳng có tham vọng gì cả. Tôi tham gia vào các sinh hoạt không nhằm mục đích mưu sinh hay kiếm cái job để lòe thiên hạ. Tôi sống rất an phận thủ thường. Trong Kinh Dịch có viết: “Đức nhỏ mà địa vị cao, trí cạn mà mưu sự lớn mà không gặp họa là ít thấy vậy”.
Hỏi: Anh dấn thân làm việc, anh có trông mong được nổi tiếng không?
Ngô Kỷ: Trông mong được đồng hương quý mến thì có, nhưng tôi chẳng bận tâm đến tiếng tăm. Kinh nghiệm cho thấy những ông lãnh tụ nổi tiếng, danh vọng ngày xưa bây giờ còn lại những gì? Hiểu được triết lý Lữ Khôn: “Con voi vì ngà, ve sầu vì tiếng, đom đóm vì sáng mà hại thân, người biết yên thân không quý gì rực rỡ”.
Hỏi: Hễ mỗi lần trong cộng đồng thành công hay đạt được kết quả tốt thì lại có người nhảy ra tranh công, anh nghĩ thế nào?
Ngô Kỷ: Jacob A Rigs có nói đến một câu chuyện:
“Có người đập cả trăm nhát búa mà đá cũng chưa rạn nứt, nhưng khi đập đến lần thứ 101 thì tảng đá vỡ làm đôi, như vậy, phải hiểu rằng không phải nhát búa cuối cùng đã làm cho tảng đá vỡ mà chính là tất cả những cố gắng của anh ta từ trước”.
Chuyện cộng đồng mình cũng vậy, nếu có được kết quả tốt nào thì chính là do sự cố gắng, đóng góp, tranh đấu của nhiều người, nhiều tổ chức trong thời gian dài, chứ không phải do một người, một nhóm, một ngày mà làm được.
Hỏi: Có câu: “Con vua thì lại làm vua, ba đời sãi chùa chỉ quét lá đa”, câu này còn thích hợp với thời đại này không?
Ngô Kỷ: Ngày nay có biết bao nhiêu cảnh: “Cha làm thầy, con đốt sách”, nhưng cũng lại có: “Cây đắng mà sinh trái ngọt”. Bởi vậy sự ỷ lại vào hào quang quá khứ đã lỗi thời, vì: “Cam trồng xứ Nam ngọt, nhưng trồng xứ Bắc chua”.
Hỏi: Anh nghĩ gì về những người nhân danh trí thức nhan nhản trong cộng đồng?
Ngô Kỷ: Danh từ trí thức đã bị một số người tiếm nhận một cách vô liêm sỉ. Tôi chia những người có học ra làm 2 loại: trí thức và khoa bảng. Tôi quý trọng những người trí thức vì họ đã bỏ công khó nhọc học hỏi để có được một số kiến thức hầu dùng sự hiểu biết đó phục vụ cộng đồng, xây dựng xã hội và đóng góp cho quê hương. Trái lại, những kẻ khoa bảng thì lòe cái nhản bằng cấp để lường gạt đồng bào, làm xấu hỗ cộng đồng, phá hoại đất nước.
Bằng chứng là trong quá khứ, bọn khoa bảng này từng cấu kết nhau gian lận thẻ Medical, insurance, dẫn đến việc chính phủ Mỹ tống giam mấy chục bác sĩ, dược sĩ, luật sư. Bọn khoa bảng này không hề đóng góp chút gì cho công cuộc đấu tranh chống cộng sản, trái lại còn tiếp tay cho Việt cộng, bưng bô cho Việt gian. Bọn khoa bảng này chính là bọn bị Mao Trạch Đông liệt là : “Trí thức không bằng cục phân”.
Hỏi: Anh muốn tâm sự gì với anh chị em sinh viên và những người trẻ không?
Ngô Kỷ: Tôi xin tâm sự vài điều:
Thế hệ cha anh chúng ta đã có hơn mấy mươi năm để đấu tranh, bảo vệ đất nước, và có hơn 14 năm để xây dựng cộng cộng đồng, giải phóng quê hương. Họ đã thất bại trong quá khứ và cũng chưa làm được gì khả quan cho hiện tại. Không phải họ hèn kém, cũng không phải họ tham sanh úy tử, mà trái lại họ đã hy sinh cả một đời để mưu cầu cho sự sống còn của dân tộc, cho hạnh phúc của toàn dân.
Ngày nay thân thể họ rã rời, danh dự bị tổn thương, họ phải mang cái mặc cảm “bại trận” trong suốt cuộc đời còn lại của họ. Thế hệ cha anh của chúng ta đã thất bại trong cuộc đối đầu với kẻ thù từ bên ngoài và những kẻ phản trắc từ trong lòng dân tộc. Họ đã vì “Tổ Quốc, Danh Dự, Trách Nhiệm” mà chống lại các mưu đồ bán nước, các thế lực ngoại bang, các thủ đoạn gian manh đê hèn của một thiểu số lãnh đạo bất tài vô tướng, tham nhũng, thối nát.
Họ đã chiến đấu anh dũng, và định mệnh 1975 đã cuốn họ theo dòng thác để rồi ngày nay họ phải tức tưởi ngậm ngùi. Hàng triệu chiến sĩ đã chết, hàng vạn người đã tự tử vì không chịu đựng được cái nhục mất quê hương. Phải chăng vì tương lai, vì sự ấm no hạnh phúc của chúng ta mà cha anh đã hy sinh một cách lớn lao như vậy?! Là cháu, là con, là em của những anh hùng liệt nữ, của những bậc tiền nhân, chúng ta phải khâm phục biết ơn, phải mong ngày đền đáp.
Cha anh chúng ta đã cố gắng và đã làm không xong những trọng trách mà lịch sử giao phó, thì ngày nay sự thất bại đó đã thuộc về dĩ vãng, chỉ còn lại bài học lịch sử. Bây giờ không còn là lúc để chúng ta trách móc mà phải lật qua một trang sử mới, vì thất bại vẫn là thất bại, lỗi có quy cho ai, nguyên do từ đâu thì hậu quả vẫn là sự thảm bại của cả một dân tộc trong cuộc đấu tranh dành độc lập và tự chủ thực sự cho dân tộc trong thời gian qua.
Một triết gia đã nói: “Chúng ta học nhiều nơi cái ngu hơn là cái khôn của kẻ khác”; bởi vậy những người trẻ phải cùng nhau đứng lên nhận lãnh trách nhiệm lịch sử, hành trang của các bạn là những kinh nghiệm thất bại của cha anh và những kiến thức mới mà các bạn tiếp thu được của thời đại. Ông Bacon đã xác định chỗ đứng của tuổi trẻ: “Thanh niên thích hợp cho sáng tạo hơn là phán đoán, thực hiện hơn là khuyên bảo, đưa ra những kế hoạch mới hơn là theo đuổi cố nhân”.
Các bạn phải biết tránh những vết xe đổ cũ, phải biết đạo đức hơn, khách quan hơn, khoa học hơn trong bước đường quang phục quê hương. “Trẻ là tự phát, là gần với nguồn sống, là có thể đứng lên, lật xuống xiềng xích của một nền văn minh hư đốn”, chính Mann đã nói như vậy.
Với một tấm lòng thiết tha yêu nước, với một ý chí mãnh liệt vẫn chưa đủ, mà người trẻ Việt Nam phải biết khôn ngoan, tỉnh táo, phải biết suy nghĩ chín chắn hành động, phải cẩn trọng trong việc tìm một hướng đi, phải biết đặt khả năng mình vào đúng vị trí mới ngõ hầu hoàn thành mục tiêu một cách hữu hiệu, bằng không các bạn sẽ trở thành những tấm thảm lót đường cho bọn mị dân, khoác lác và xôi thịt.
Tuy nhiên, điều tôi muốn nhắn cùng các bạn là dù những người trẻ có thừa khả năng, kiến thức, nhiệt tâm để chủ động và lãnh đạo công cuộc đấu tranh, nhưng nếu không được sự cố vấn, yểm trợ và tiếp tay của các bậc trưởng thượng, quý bậc cha anh “tài đức”, các bạn sẽ rất khó thành công nếu không muốn nói là thất bại.
Riêng cá nhân tôi, một người đang bước vào cái tuổi tứ tuần, một cái tuổi lở dở của cuộc đời, tôi không có được cái kinh nghiệm quý báu của người già, mà cũng không còn được cái tinh thần hăng say, nhiệt huyết của tuổi trẻ, bởi vậy, tôi kỳ vọng vào các bạn, những người trẻ mà ít ra tôi còn được cái may mắn sinh cùng một thế hệ. Tôi thông càm được những nỗi khó khăn và suy tư của các bạn, tôi xót xa được những niềm đau thương của các bạn, vì tất cả điều đó chính bản thân tôi đã trải qua trong những năm tháng qua.
Wilde có nói: “Thanh niên là tài sản duy nhất có giá trị”, bởi vậy dân tộc đang trông mong các bạn.
Nhà chí sĩ cách mạng Phan Chu Trinh đã nhắn nhủ: “Các anh bước tới một bước thì dân nhà nhờ một bước, các anh đi lạc một khoảng đường thì nước nhà bị nhận chìm mấy lần địa ngục”, bởi vậy những người trẻ không có quyền mỏi mệt khi chưa thực sự phấn đấu, và không có quyền chùng bước khi chưa khởi hành. Tôi cầu chúc các bạn thành công.
Hỏi: Anh muốn nói gì nữa không?
Ngô Kỷ: Có thể có người không đồng ý các câu trả lời của tôi, tuy nhiên trong tinh thần “hòa nhi bất đồng”, tôi rất mong được đón nhận những sự góp ý xây dựng của quý đồng hương. Xin cám ơn.